Thuỷ điện sẽ nuốt chửng sông Mekong
Posted by bvnpost trên 19/03/2011
Ths Nguyễn Hữu Thiện SGTT.VN – Đập Xayabury, đập thuỷ điện đầu tiên ở Lào và cũng là đập đầu tiên trong số 12 đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong mà các quốc gia ở vùng hạ lưu vực sông Mekong đang có kế hoạch xây dựng. Nếu Xayabury được xây, toàn bộ 11 đập kia cũng sẽ khởi động. Đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – phần cuối nguồn của sông Mekong – nếu điều này thành hiện thực sẽ đồng nghĩa với thảm hoạ. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, thành viên nhóm chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược các đập thuỷ điện dòng chính Mekong thuộc Uỷ hội Mekong quốc tế (MRC), đánh giá về những tác động bất lợi có thể gây ra thảm hoạ nói trên. Lợi bất cập hại Trong số 12 đập dự kiến xây dựng trên sông Mekong thời gian tới, 10 đập sẽ chắn ngang dòng sông, trong đó có đập dài đến 18km như đập Sambor ở Campuchia. Các đập này là “đập dâng” (run of river dam), tức là không có hồ chứa thực sự mà tạo ra một đoạn ngập trên sông khoảng 150km cho mỗi đập. Trong mùa lũ, nước sẽ đi ngang qua đập trong ngày, nhưng trong mùa khô, thời gian tích nước của mỗi đập tối đa có thể đến ba tuần. Nếu tất cả các đập này được xây thì khoảng 55% tổng chiều dài 1.750km của đoạn hạ lưu sông Mekong, từ một dòng sông sống sẽ biến thành một loạt hồ. Ở những nơi nước chảy chậm này, hệ sinh thái sông sẽ biến thành hệ sinh thái hồ.
Vì là đập dâng nên cả 12 đập sẽ không có khả năng cắt lũ vào mùa lũ và giúp tăng dòng chảy vào mùa khô. Ngược lại, trong mùa khô, các đập này có thể tích nước ngắn hạn và xả nước ra để phát điện, nên có thể tạo ra sự kiệt nước trong thời gian ngắn. Sự dao động nhanh chóng của mực nước ở vùng hạ lưu, do vậy, sẽ tuỳ theo sự tích và xả nước của các đập này. Ranh giới mặn đối với ĐBSCL vào mùa khô có thể dịch chuyển lên xuống nhanh chóng vào mùa khô và vì vậy, hệ sinh thái và hệ thống canh tác sẽ khó thích nghi. Trong khi đó, theo báo cáo của nhóm chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), khoảng 90% tổng lượng điện của các đập này được thiết kế để bán sang Thái Lan và Việt Nam và đến 2025, lượng điện mua được từ các đập trên sẽ thoả mãn 4,4% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Còn xét tổng lợi ích, báo cáo ĐMC cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi 5% từ tổng lợi ích của 12 đập này. Như vậy, lợi ích về điện năng và tổng lợi ích kinh tế của 12 đập thuỷ điện này đối với Việt Nam là rất nhỏ. Tổn thất khó lường Sông Mekong có sản lượng cá nội địa lớn nhất thế giới, khoảng 2,6 triệu tấn đánh bắt hàng năm. Cá sông Mekong bao gồm 2/3 là cá trắng và 1/3 là cá đen. Thông thường, cá trắng là các loài cá di cư và các đập thuỷ điện sẽ là những bức tường thành mà cá không thể vượt qua được trong hành trình sinh trưởng của mình. Nguy cơ tuyệt chủng các loài cá trắng di cư của sông Mekong có thể nhìn thấy trước, vì ngay cả công nghệ “cầu thang cá” của châu Âu (giúp cá đi qua đập thuỷ điện) cũng không giúp gì được, do cá sông Mekong thường có kích thước nhỏ và đa dạng về loài. Riêng ĐBSCL, hàng năm sẽ có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến lượng cá đen ăn cá trắng để tồn tại. Nếu tính trung bình giá cá trắng là 50.000 đồng/kg, hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với ĐBSCL sẽ là 11.000 đến 22.000 tỉ đồng, hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm. Chỉ riêng tổn thất này đã có thể lớn hơn lợi ích về năng lượng do các đập mang lại. Chưa kể việc mất thuỷ sản tự nhiên sẽ làm cho lợi nhuận của thuỷ sản nuôi cũng sụt giảm nghiêm trọng. Theo định luật bảo toàn năng lượng, việc lấy đi 14.000MW năng lượng dòng sông cho việc sản xuất điện sẽ ảnh hưởng đến chế độ thuỷ văn và phù sa của sông Mekong. Nếu toàn bộ 12 đập được xây dựng thì trong tương lai, lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm sẽ chỉ còn 1/4 hiện nay, tức còn khoảng 42 triệu tấn/năm so với 160 – 165 triệu tấn/năm hiện nay. Lượng phù sa giảm sẽ gia tăng nạn sạt lở bờ sông, làm mất đất đai của cư dân, làm sụt giảm nghiêm trọng lượng dinh dưỡng cung cấp cho thuỷ hải sản trên cả vùng biển rộng lớn vùng ĐBSCL. (Số liệu của cục Thống kê cho thấy, sản lượng thuỷ sản biển đánh bắt của ĐBSCL vào năm 2009 ước lượng khoảng 606.500 tấn). Tuy chưa có số liệu cụ thể về tổn thất thuỷ sản biển ở ĐBSCL do sự sụt giảm phù sa sông Mekong, nhưng việc suy giảm hệ sinh thái biển và nguồn lợi thuỷ sản này là chắc chắn. Kéo theo nó là sự suy giảm đời sống ngư dân ĐBSCL. Những tổn thất do các đập thuỷ điện hình thành trên dòng chính Mekong gây ra sẽ là vĩnh viễn và không thể phục hồi, trong khi các biện pháp để tránh, khắc phục và đền bù thiệt hại rất hạn chế, tốn kém, chưa chắc có hiệu quả; chưa kể còn đòi hỏi phải có những cơ chế minh bạch, công bằng và sự đồng thuận. Ngoài ra, nếu xảy ra thiên tai như động đất, nguy cơ vỡ đập là rất lớn. Trong số 12 đập, đập Sambor ở gần ĐBSCL nhất, có chiều cao thiết kế là 56m từ đáy sông lên đỉnh đập, chiều dài của đập chắn ngang sông là 18km, tạo ra một vùng ngập 620km2 phía trên đập ở mực nước có cao trình 40m trên mực nước biển. Trong khi đó, ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 1m. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu khối nước khổng lồ 465 triệu m3 đổ ập xuống ĐBSCL khi đập này bị vỡ… N. H. T.
Nguồn: sgtt.vn |
Sorry, the comment form is closed at this time.