Đoàn Quý
SGTT.VN – Cần có cơ chế cho các nhà trí thức, khoa học được tham gia đóng góp, phản biện ngay từ đầu đối với những chính sách của Thành phố. Thậm chí cho phép nhà khoa học cùng làm việc với bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố. Từ đó mới ra được sản phẩm có giá trị thương phẩm của nhà khoa học và có lợi ích cho sự nghiệp chung.
Đó là ý kiến của các nhà trí thức, khoa học, các chuyên gia tại TP. HCM tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với giới trí thức ngày 25.5.
Thể chế hóa cơ chế phản biện
Theo TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Phó Ban công tác phía Nam Liên hiệp Hội [Khoa học Kỹ thuật] Việt Nam, quy chế này phải phản ánh cho được vai trò của trí thức là tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ mới… Trong đó, trí thức phải được tôn vinh thông qua những đóng góp cụ thể của mình.
“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Liên hiệp Hội Việt Nam, Chính phủ mở ra cơ chế vĩ mô, trong đó có quy chế làm việc cho các nhà khoa học đóng góp với đất nước, thì tại sao TP. HCM lại không có? TP. HCM phải thực hiện cụ thể hơn, thiết thực hơn, bởi vì Thành phố có “tài nguyên con người”. Tôi quan tâm “hậu” cuộc gặp gỡ này là gì? Phải có chương trình hành động của trí thức theo đơn đặt hàng của lãnh đạo thành phố, phải có cơ chế, quy chế phối hợp về lâu về dài thì mới gọi là phát triển bền vững”, ông Trang nhấn mạnh.